11/07/2017
0 nhận xét
8 lưu ý giúp bảo quản kính hiển vi quang học tốt hơn
Kính hiển vi quang học là một dụng cụ không thể thiếu trong các phòng xét nghiệm. Đặc biệt với các phòng xét nghiệm Vi sinh, ký sinh trùng, huyết học hay giải phẫu bệnh thì vai trò của kính hiển vi lại càng quan trọng. Nếu không có kính hiển vi bạn sẽ không thể thực hiện các xét nghiệm được. Cách soi kính thì các bạn đã được đào tạo trong trường học tuy nhiên làm sao để soi kính được tốt, bảo quản thế nào để kính được bền lại là cả vấn đề. Việt Nam chúng ta chưa tự sản xuất được kính hiển vi mà đều phải nhập khẩu, giá của mỗi chiếc kính không hề rẻ. Một lỗi nhỏ trong khi sử dụng có thể sẽ làm hư hỏng kính, nhẹ thì chất lượng soi giảm đi, nặng thì hỏng và không soi được. Vì vậy với kinh nghiệm gần 10 năm sử dụng kính, hôm nay mình xin chia sẻ 8 lưu ý giúp các bạn bảo quản kính hiển vi quang học tốt hơn.
1. Kính nên để ở một vị trí cố định và hạn chế di chuyển:
Kính hiển vi có rất nhiều bộ phận quang học bằng thủy tinh, vì vậy bạn nên để kính ở một vị trí cố định, không nên di chuyển nhiều vì có thể sẽ làm rơi vỡ. Khi phải di chuyển bạn nên để trong hộp kín và luôn bê ở tư thế thẳng đứng bằng cả 2 tay. Ngoài ra khi không sử dụng bạn hãy nhớ đưa kính về vị trí nghỉ (hạ mâm kính, tụ quang).
2. Chỉ bật đèn sử dụng khi cần thiết.
Ngày nay các kính hiển vi quang học hầu hết sử dụng bóng đèn để tạo ánh sáng thay cho gương. Các bóng đèn này có tuổi thọ nhất định, vì vậy chỉ bật đèn khi bạn soi kính, khi không soi bạn phải tắt đèn để giữ tuổi thọ cho bóng đèn.
3. Sử dụng ốc đại cấp và vi cấp hợp lý.
Trên mỗi kính đều có 2 loại ốc là ốc đại cấp và ốc vi cấp để lấy vi trường. Ốc đại cấp sẽ nâng mâm kính nhanh, ốc vi cấp để thì nâng mâm kính chậm hơn. Bạn chỉ sử dụng ốc đại cấp để lấy sơ bộ vi trường (chỉnh thô) còn ốc vi cấp để lấy độ nét cho vi trường soi (chỉnh tinh). Khi nâng ốc đại cấp lên bạn phải nhìn vào mâm kính để tránh việc nâng quá làm vỡ tiêu bản hoặc hỏng đầu vật kính. Khi xoay ốc đại cấp hoặc vi cấp phải xoay đều tay ở cả 2 bên tránh làm hỏng gen chỉnh ốc.
4. Không để dung dịch trên tiêu bản bám vào đầu vật kính.
Khi soi tươi bằng vật kính 40 có thể trên lam kính có dung dịch. Khoảng cách từ đầu vật kính đến tiêu bản là rất gần. Do vậy rất dễ dính dung dịch lên trên đầu vật kính. Vì vậy hãy nhớ luôn luôn phải đậy lam men khi soi tươi với dung dịch để tránh làm hỏng đầu vật kính.
5. Sử dụng dầu soi đạt chất lượng.
Khi soi kính ở vật kính 100 bạn phải sử dụng dầu soi. Dầu soi giúp tăng độ chiết quang giúp việc tập trung ánh sáng tốt hơn. Tuy nhiên chất lượng dầu soi ảnh hưởng trực tiếp đến độ bền của vật kính. Vì vậy hãy sử dụng loại dầu soi có chất lượng tốt (trong suốt, keo nhẹ) để soi kính vừa giúp soi tốt hơn vừa bảo quản vật kính tốt hơn.
6. Luôn luôn vệ sinh kính.
Vệ sinh kính là một công việc quan trọng giúp tăng độ bền của kính. Các vật kính thông thường sau mỗi lần soi bạn phải vệ sinh bằng gạc sạch. Riêng với đầu vật kính 100 sau khi soi xong bạn phải vệ sinh qua 3 bước như sau:
Bước 1: Thấm dầu soi trên đầu vật kính bằng giấy thấm.
Bước 2: Lau đầu vật kính bằng dung dịch xylen (tốt hơn thì dùng hỗn hợp Xylen: Cồn theo tỉ lệ 1:1)
Bước 3: Lau lại đầu vật kính bằng gạc sạch.
Với các bộ phận khác thì lau bằng gạc sạch trước và sau mỗi lần sử dụng.
Đặc biệt bạn không được dùng tay hoặc chạm vào vật kính vì sẽ bám mồ hôi gây mốc cho vật kính.
7. Luôn giữ kính trong môi trường khô:
Đầu vật kính, thị kính rất dễ mốc nếu để trong môi trường ẩm, vì thế kính phải luôn được bảo quản trong môi trường khô. Có nhiều cách để tạo môi trường khô nhưng lý tưởng nhất bạn nên để kính trong phòng có điều hòa và sử dụng máy hút ẩm. Nếu không có bạn có thể để trong tủ kính riêng và thắp 1 ngọn đèn 25-40W để bảo quản. Nếu vẫn không có điều kiện thì ít nhất bạn nên tháo vật kính và thị kính để trong bình có đặt các hạt hút ẩm.
8. Bảo quản kính tránh bụi bẩn.
Bụi bẩn ở môi trường là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến hỏng các đầu vật kính, thị kính hoặc các thấu kính. Vì vậy không được để kính ở ngoài môi trường mà không che đậy. Nên dùng túi bọc bằng vải hoặc bằng túi bảo vệ đi kèm với kính. Không được sử dụng túi nilon vì sẽ hấp hơi tạo môi trường ẩm. Đồng thời cũng lưu ý không được xếp dầu soi, dung môi, hóa chất…cùng với kính vì chúng có thể bay hơi bám vào đầu vật kính gây hỏng đầu vật kính.
Viết bình luận