11/07/2017
0 nhận xét
Một số kinh nghiệm khi sử dụng pipet trong phòng xét nghiệm
Pipet là một dụng cụ không thể thiếu trong mỗi phòng xét nghiệm. Pipet được dùng để hút hóa chất, bệnh phẩm, các loại dung dịch… Trong phòng xét nghiệm hiện nay sử dụng nhiều loại pipet khác nhau, nhưng thường dùng nhất là 4 loại pipet sau:
- Pipet pasteur (pipet nhỏ giọt)
- Pipet thủy tinh.
- Pipet bán tự động
- Pipet tự động.
Trong mỗi loại pipet này lại có nhiều kiểu pipet khác nhau. Với mỗi loại pipet khác nhau lại có cách sử dụng khác nhau. Một lỗi nhỏ trong sử dụng pipet có thể ảnh hưởng lớn tới kết quả xét nghiệm cuối cùng, vì vậy sử dụng pipet đúng cách là điều rất quan trọng với những người làm việc trong phòng xét nghiệm. Hôm nay mình xin chia sẻ những kinh nghiệm của mình về các sử dụng các loại pipet này trong phòng xét nghiệm.
1. Sử dụng pipet pasteur: Pipet nhỏ giọt
Loại pipet này rất phổ biến, thường có 2 loại chính là pipet thủy tinh có quả bóp bằng cao su và loại pipet bằng nhựa.
Cách sử dụng loại pipet này rất đơn giản, Bạn chỉ bóp trước một lực nhỏ ở phần đầu cao su hoặc đầu nhựa sau đó nhúng vào dung dịch cần hút và thả tay ra ra để hút dung dịch lên. Sau đó nhỏ dung dịch ra bằng cách bóp từng lực nhỏ để tạo thành các giọt nhỏ xuống. Mỗi giọt chuẩn có thể tích là 50µl, 20 giọt sẽ là 1ml.
Lưu ý khi sử dụng loại pipet này:
– Bóp nhẹ nhàng để thả từng giọt một.
– Pipet luôn giữ ở tư thế thẳng đứng.
– Nếu có bọt phải thả hết bọt ra trước.
2. Sử dụng pipet thủy tinh:
Pipet này hiện nay ít dùng trong các phòng xét nghiệm Y học, chủ yếu dùng trong các phòng xét nghiệm về thực phẩm, môi trường. Pipet này có nhiều loại như: Pipet thẳng, pipet bầu, micro pipet… mỗi loại có cách sử dụng khác nhau nhưng về cơ bản cách dùng như sau:
– Tay thuận cầm pipet bằng ngón cái và ngón giữa. Ngón trỏ dùng để bịt đầu pipet.
– Hút dung dịch vào pipet bằng quả bóp cao su đến quá vạch cần lấy. Hiện nay còn có một số dụng cụ hỗ trợ hút loại pipet này thay thế cho dùng quả bóp.
– Bỏ quả bóp cao su ra và dùng ngón trỏ bịt phần trên.
– Cầm pipet thẳng đứng, mở ngón trỏ nhẹ nhàng để điều chỉnh về vạch O hoặc vạch cần lấy.
– Thả dung dịch vào bình hoặc ống nghiệm đến vạch cần dùng (pipet cầm thẳng đứng, ống nghiệm cầm nghiêng, đầu pipet tỳ vào thành ống nghiệm)
– Tùy thuộc vào loại pipet mà yêu cầu thả hết toàn bộ, không thả hết (thả đến vạch dưới) hoặc phải thổi sau khi thả.
Một số dụng cụ trợ hút dùng cho pipet thủy tinh
Bỏ bóp cao su 3 van
Súng trợ hút (Pipet aid)
Pipet aid
Lưu ý khi sử dụng pipet thủy tinh:
– Chọn pipet phù hợp với lượng dung dịch cần hút sao cho chỉ hút 1 lần là đủ và không lấy loai pipet lớn quá gấp 2 lần thể tích cần lấy để hút. Việc này để tránh sai số.
– Nguyên tắc là đáy của khum luôn trùng với vạch kể cả với dung dịch có màu hoặc không có màu. Tuy nhiên với 1 số dung dịch có màu quá đậm đặc không thể xác định được đáy của khum thì lấy mặt thoáng ở trên trùng với vạch.
– Không sử dụng pipet có đầu bị sứt, mẻ.
– Nhiệt độ của dung dịch ảnh hưởng đến thể tích. Thể tích trên pipet chỉ đúng với nhiệt độ thường là 20 độ C.
– Pipet bầu chính xác hơn so với pipet thẳng có cùng thể tích.
– Với loại micro pipet phải hút dung dịch lên bằng các mao dẫn.
3. Sử dụng pipet bán tự động hay còn gọi là pipetman
Hiện loại pipet này thường được dùng nhất vì tính tiện lợi và chính xác của nó. Nhiều người vẫn gọi pipet này là pipet tự động nhưng theo mình chỉ gọi là bán tự động vì hoàn toàn chúng ta vẫn can thiệp vào trong quá trình hút, thả. Pipet này có 2 loại là loại cố định 1 thể tích nhất định và không cố định thể tích hút mà ta có thể đuiều chỉnh lượng hút bằng cách vặn núm điều chỉnh về lượng hút cần dùng.
Pipet bán tự động (pipetman)
Có hai cách sử dụng pipet bán tự động
Cách 1: Cách hút xuôi (Forward Pipetting)
Phương pháp này sử dụng để hút những dung dịch thông thường hay những dung dịch có độ nhớt thấp bao gồm: dung dịch đệm, nước cất, nước muối, dung dịch acid loãng và base loãng.
Phương pháp này được thực hiện như sau:
– Cài đặt thể tích cần lấy
– Cắm đầu côn (tip) vào đầu pipet
– Cầm pipet dọc theo chiều hút vào của chất lỏng, nếu cầm nghiêng thì lượng chất lỏng hút vào sẽ không chính xác do ảnh hưởng của áp suất thủy tĩnh. Luôn giữ pipet ở tư thế thẳng đứng trong quá trình sử dụng.
– Ấn piton từ từ xuống nấc 1 rồi từ từ thả ra để chất lỏng được hút vào trong tip
– Ấn piton từ từ xuống nấc 1 rối ấn tiếp xuống nấc 2 để chất lỏng được đẩy hết ra khỏi tip. Nên để đầu tip chạm vào thành bình, ống nghiệm nhận nhưng vẫn phải đảm bảo pipet luôn được giữ ở vị trí thẳng đứng.
Cách 2: Cách hút ngược (Reverse Pipetting)
Khác với phương pháp hút xuôi, Hút ngược được dùng để hút một lượng nhỏ dung dịch và những dung dịch có độ nhớt cao, dung dịch tẩy rửa, và những dung dịch dễ tạo bọt.
Phương pháp này được thực hiện như sau:
– Cài đặt thể tích cần lấy
– Cắm tip vào đầu pipet
– Ấn piton xuống nấc 2
– Cắm đầu tip xuống bề mặt chất lỏng, sau đó thả từ từ piton ra để chất lỏng vào trong tip
– Nhấc pipet ra khỏi bình chứa, nên chạm tip vào thành bình để loại bỏ dung dịch thừa
– Đưa pipet theo chiều thẳng đứng vào bình nhận, ấn piton từ từ xuống nấc 1 để thả dung dịch vào bình nhận. Với phương pháp này một phần chất lỏng vẫn còn sót lại trong pipette tip mà không được thổi hết vào ống nghiệm nhận như phương pháp hút xuôi.
Chú ý khi sử dụng pipet bán tự động này:
– Không sử dụng để hút lượng dung dịch ngoài khoảng giá trị cho phép hút của pipet.
– Hút một lần đủ lượng dung dịch cần lấy.
– Hạn chế dùng dùng pipet thể tích lớn để hút một lượng nhỏ. Ví dụ bạn không nên dùng loại thể tích 100 – 1000µl để hút 100µl, thay vào đó bạn nên dùng loại 10 – 100µl để hút. Lượng hút nên tiệm cận với giá trị trên là tốt nhất. Vì pipet càng lớn thì sai số càng nhiều, khi đó nếu bạn hút lượng nhỏ thì sẽ gây sai số càng lớn.
– Độ nhúng sâu của pipet (Immersion Depth) chỉ nên trong khoảng 1- 3mm tính từ đầu tip đến bề mặt chất lỏng cần chuyển. Vì nếu quá sâu thì chất lỏng có thể bám vào tip và được chuyển vào cùng với mẫu cần chuyển nên lượng chất lỏng được chuyển sẽ nhiều hơn. Còn nếu nhúng quá nông thì chất lỏng được hút vào sẽ ít hơn do ảnh hưởng của không khí.
Các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng hút chính xác của pipet
– Đầu côn (tip): tip không đảm bảo chất lượng sẽ ảnh hưởng lớn tới khả năng hút chính xác của pipet. Vì vậy yêu cầu tip phải sạch, mặt trong tip phải trơn nhẵn, đồng nhất, thẳng cạnh và không thấm nước.
– Độ nhớt chất lỏng (Liquid Viscosity): các pipet dùng để hút các chất lỏng có độ nhớt cao như máu, huyết tương, huyết thanh phải là loại khác với những pipet dùng để hút nước.
– Nhiệt độ (Temperature): đây là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến thể tích chất lỏng được phân phối do sự giãn nở vì nhiệt của các chất. Các pipet được sản xuất thường áp dụng ở nhiệt độ phòng XN (20-25oC).
– Áp suất khí quyển (Barometric Pressure): càng lên cao áp suất khí quyển càng giảm, tuy nhiên nó chỉ ảnh hưởng nhỏ đến sự thay đổi của tỷ trọng chất lỏng nên sai số do khí áp là không đáng kể và thường được bỏ qua.
– Độ ẩm (Relative Humidity): độ ẩm thích hợp cho việc sử dụng pipet trong khoảng 45 – 75%. Độ ẩm có ảnh hưởng lớn đến khả năng hút chính xác của pipet vì nếu độ ẩm thấp (< 30%) thì tốc độ bay hơi tăng, còn nếu độ ẩm cao quá thì khả năng ngưng tụ của chất lỏng tăng.
4. Pipet tự động hoàn toàn.
Loại pipet này rất chính xác, việc hút thả hoàn toàn tự động. Thường dùng pin hoặc điện để điều khiển. Pipet này thường có một hoặc nhiều đầu hút cùng lúc. Việc có nhiều đầu hút cùng lúc rất tiện khi bạn phải hút, thả một lượng dung dịch bằng nhau vào nhiều vị trí. Hay áp dụng trong các phòng xét nghiệm miễn dịch như làm ELISA, một lần hút thả bạn có thể cho vào nhiều giếng một lúc mà không cần hút nhiều lần dễ gây nhầm lẫn.
Pipet tự động hoàn toàn
Việc sử dụng pipet này khá đơn giản.
– Cài đặt lượng cần hút.
– Lắp đầu côn (tip), có thể lắp nhiều đầu côn vào các vị trí.
– Cắm vào dung dịch cần hút, nhấn nút hút lên, máy sẽ tự hút đúng lượng đã cài.
– Đặt vào vị trí cần thả dung dịch, nhấn nút, pipet sẽ tự thả dung dịch ra.
Lưu ý khi sử dụng pipet này:
– Cài đặt lượng hút trong khoẳng cho phép.
– Cung cấp đủ năng lượng (pin, sạc) trước khi sử dụng.
– Các đầu côn phải được gắn chặt tránh hở gấy hút sai thể tích.
– Pipet phải được hiệu chuẩn định kỳ. Việc hiệu chuẩn pipet mình sẽ trình bày trong một bài riêng.
Trên đây là một số kinh nghiệm sử dụng pipet của mình. Các bạn có ý kiến trao đổi gì vui lòng phản hồi tại dưới. Vui lòng ghi rõ nguồn tuyenlab.com khi đăng tải lại nội dung bài viết này.
Viết bình luận