10/04/2019
CÁCH SỬ DỤNG MÁY ĐO PH CẦM TAY
Tháo nắp bảo vệ bút
Đầu tiên rửa sạch điện cực bằng nước sạch và làm khô bằng giấy lọc.
Bật đồng hồ ON bằng cách nhấn phím ON / OFF.
Nhúng bút đo độ pH vào dung dịch cần đo chìm hết phần đầu cực
Khuấy nhẹ nhàng và đợi cho việc đọc ổn định.
Sau khi hoàn thành việc làm sạch điện cực bằng nước cất, tắt máy bằng cách nhấn phím "ON / OFF".
Luôn luôn đậy nấp bảo vệ sau khi sử dụng.
Hiệu chỉnh bút đo pH
Bạn cần hiệu chỉnh bút đo để giúp chúng hoạt động chính xác hơn, sử dụng 2 gói mẫu đi kèm bút để tạo 2 điểm hiệu chỉnh (4.01pH và 6.86pH)
Lưu ý: pH thay đổi theo nhiệt độ môi trường, bạn cần nhìn bảng phía sau để lấy điểm tương ứng nếu nhiệt độ không ở 25oC
Bước 1: Bật bút đo pH lên
Bước 2: Mở mỗi gói mẫu và cho vào 2 cốc riêng biệt, cho thêm mỗi cốc 250ml nước tinh khiết.
Bước 3: Đưa nhiệt độ mẫu nước về 25oC (Có thể thử trong phòng điều hòa 25oC)
Bước 4: Đưa đầu bút vào mẫu 6.86, bấm giữ nút CAL trong đúng 1s và thả ra. Bút sẽ tự động cân chỉnh cho đến khi màn hình hiển thị 6.86.
Bước 5: Lau khô đầu bút chuẩn bị cho mẫu thử 4.01
Bước 6: Đưa đầu bút vào mẫu 4.01, bấm giữ nút CAL trong 3s và thả ra. Chờ bút cân chỉnh đến chỉ số 4.00 là xong.
Làm sạch điện cực bằng nước thật sạch và lau sạch nước dự trên bút đo, đặt điện cực vào dung dịch chuẩn pH 9.18 cho đến ngày ổn định, dữ liệu sẽ là 9.17pH - 9.19pH, dữ liệu nằm trong phạm vi lỗi cho phép
Công việc hiệu chuẩn thiết bị này được hoàn thành sau tất cả các bước
Một số hướng dẫn khác xem tại hướng dẫn
CHÚ Ý
Bút đo pH cầm tay cần được hiệu chỉnh lại trong điều kiện sau
Thời gian không sử dụng hoặc sử dụng rất lâu sau khi hiệu chuẩn
Điện cực được sử dụng rất thường xuyên
Yêu cầu kiểm tra dung dịch với độ chính xác rất cao
Không nhấn nút "CAL" trong thời gian dài trong không khí, nếu không đồng hồ cần hiệu chuẩn lại
BẢO TRÌ ĐIỆN CỰC PH
Nếu điện cực sử dụng trong thời gian dài và điện cực tiếp xúc với không khí, sau đó hiển thị các giá trị chậm và không ổn định là do điện cực khô. Chỉ cần nhúng điện cực vào nước trong vài giờ.
PIN YẾU
Khi giá trị hiển thị mờ hoặc không hiển thị, hãy nhanh chóng thay thế pin. Vặn nắp pin và thay pin. Chú ý đến tính phân cực của pin
11/07/2017
0 nhận xét
8 lưu ý giúp bảo quản kính hiển vi quang học tốt hơn
Kính hiển vi quang học là một dụng cụ không thể thiếu trong các phòng xét nghiệm. Đặc biệt với các phòng xét nghiệm Vi sinh, ký sinh trùng, huyết học hay giải phẫu bệnh thì vai trò của kính hiển vi lại càng quan trọng. Nếu không có kính hiển vi bạn sẽ không thể thực hiện các xét nghiệm được. Cách soi kính thì các bạn đã được đào tạo trong trường học tuy nhiên làm sao để soi kính được tốt, bảo quản thế nào để kính được bền lại là cả vấn đề. Việt Nam chúng ta chưa tự sản xuất được kính hiển vi mà đều phải nhập khẩu, giá của mỗi chiếc kính không hề rẻ. Một lỗi nhỏ trong khi sử dụng có thể sẽ làm hư hỏng kính, nhẹ thì chất lượng soi giảm đi, nặng thì hỏng và không soi được. Vì vậy với kinh nghiệm gần 10 năm sử dụng kính, hôm nay mình xin chia sẻ 8 lưu ý giúp các bạn bảo quản kính hiển vi quang học tốt hơn.
1. Kính nên để ở một vị trí cố định và hạn chế di chuyển:
Kính hiển vi có rất nhiều bộ phận quang học bằng thủy tinh, vì vậy bạn nên để kính ở một vị trí cố định, không nên di chuyển nhiều vì có thể sẽ làm rơi vỡ. Khi phải di chuyển bạn nên để trong hộp kín và luôn bê ở tư thế thẳng đứng bằng cả 2 tay. Ngoài ra khi không sử dụng bạn hãy nhớ đưa kính về vị trí nghỉ (hạ mâm kính, tụ quang).
2. Chỉ bật đèn sử dụng khi cần thiết.
Ngày nay các kính hiển vi quang học hầu hết sử dụng bóng đèn để tạo ánh sáng thay cho gương. Các bóng đèn này có tuổi thọ nhất định, vì vậy chỉ bật đèn khi bạn soi kính, khi không soi bạn phải tắt đèn để giữ tuổi thọ cho bóng đèn.
3. Sử dụng ốc đại cấp và vi cấp hợp lý.
Trên mỗi kính đều có 2 loại ốc là ốc đại cấp và ốc vi cấp để lấy vi trường. Ốc đại cấp sẽ nâng mâm kính nhanh, ốc vi cấp để thì nâng mâm kính chậm hơn. Bạn chỉ sử dụng ốc đại cấp để lấy sơ bộ vi trường (chỉnh thô) còn ốc vi cấp để lấy độ nét cho vi trường soi (chỉnh tinh). Khi nâng ốc đại cấp lên bạn phải nhìn vào mâm kính để tránh việc nâng quá làm vỡ tiêu bản hoặc hỏng đầu vật kính. Khi xoay ốc đại cấp hoặc vi cấp phải xoay đều tay ở cả 2 bên tránh làm hỏng gen chỉnh ốc.
4. Không để dung dịch trên tiêu bản bám vào đầu vật kính.
Khi soi tươi bằng vật kính 40 có thể trên lam kính có dung dịch. Khoảng cách từ đầu vật kính đến tiêu bản là rất gần. Do vậy rất dễ dính dung dịch lên trên đầu vật kính. Vì vậy hãy nhớ luôn luôn phải đậy lam men khi soi tươi với dung dịch để tránh làm hỏng đầu vật kính.
5. Sử dụng dầu soi đạt chất lượng.
Khi soi kính ở vật kính 100 bạn phải sử dụng dầu soi. Dầu soi giúp tăng độ chiết quang giúp việc tập trung ánh sáng tốt hơn. Tuy nhiên chất lượng dầu soi ảnh hưởng trực tiếp đến độ bền của vật kính. Vì vậy hãy sử dụng loại dầu soi có chất lượng tốt (trong suốt, keo nhẹ) để soi kính vừa giúp soi tốt hơn vừa bảo quản vật kính tốt hơn.
6. Luôn luôn vệ sinh kính.
Vệ sinh kính là một công việc quan trọng giúp tăng độ bền của kính. Các vật kính thông thường sau mỗi lần soi bạn phải vệ sinh bằng gạc sạch. Riêng với đầu vật kính 100 sau khi soi xong bạn phải vệ sinh qua 3 bước như sau:
Bước 1: Thấm dầu soi trên đầu vật kính bằng giấy thấm.
Bước 2: Lau đầu vật kính bằng dung dịch xylen (tốt hơn thì dùng hỗn hợp Xylen: Cồn theo tỉ lệ 1:1)
Bước 3: Lau lại đầu vật kính bằng gạc sạch.
Với các bộ phận khác thì lau bằng gạc sạch trước và sau mỗi lần sử dụng.
Đặc biệt bạn không được dùng tay hoặc chạm vào vật kính vì sẽ bám mồ hôi gây mốc cho vật kính.
7. Luôn giữ kính trong môi trường khô:
Đầu vật kính, thị kính rất dễ mốc nếu để trong môi trường ẩm, vì thế kính phải luôn được bảo quản trong môi trường khô. Có nhiều cách để tạo môi trường khô nhưng lý tưởng nhất bạn nên để kính trong phòng có điều hòa và sử dụng máy hút ẩm. Nếu không có bạn có thể để trong tủ kính riêng và thắp 1 ngọn đèn 25-40W để bảo quản. Nếu vẫn không có điều kiện thì ít nhất bạn nên tháo vật kính và thị kính để trong bình có đặt các hạt hút ẩm.
8. Bảo quản kính tránh bụi bẩn.
Bụi bẩn ở môi trường là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến hỏng các đầu vật kính, thị kính hoặc các thấu kính. Vì vậy không được để kính ở ngoài môi trường mà không che đậy. Nên dùng túi bọc bằng vải hoặc bằng túi bảo vệ đi kèm với kính. Không được sử dụng túi nilon vì sẽ hấp hơi tạo môi trường ẩm. Đồng thời cũng lưu ý không được xếp dầu soi, dung môi, hóa chất…cùng với kính vì chúng có thể bay hơi bám vào đầu vật kính gây hỏng đầu vật kính.
11/07/2017
0 nhận xét
9 kinh nghiệm trong soi kính hiển vi quang học
Ở bài viết trước mình đã chia sẻ với các bạn về 8 lưu ý giúp bảo quản kính hiển vi quang học tốt hơn . Qua bài viết đó mình hy vọng các bạn đã biết cách bảo quản kính hiển vi của mình tốt hơn. Nhưng có kính tốt rồi bạn có soi tốt được không? Vì vậy hôm nay mình sẽ chia sẻ 9 kinh nghiệm khi soi kính hiển vi để giúp các bạn soi kính được tốt hơn. Những điều mình sẽ trình bày dưới đây có thể các bạn đã được học nhưng sau một thời gian lại quên đi hoặc những bạn mới soi kính chưa có nhiều kinh nghiệm sẽ biết cách soi kính tốt hơn. Bản thân mình ngày xưa khi đi học trong trường cũng từng trải qua cảm giác khó khăn khi soi kính, ngày đó bọn mình vẫn phải dùng loại kính lấy ánh sáng bằng gương, trong một lần kiểm tra quan sát hình thể amip bằng vật kính 40 mình đã không thể nào lấy được vi trường, mặc dù đã rất cố gắng nhưng vẫn không thể lấy được vi trường. Cuối cùng thậm chí mình còn xin cô cho mình trượt để kiểm tra lại. Sau lần đó mình quyết tâm phải học cách soi kính thật tốt. Kinh nghiệm của mình là phải soi thật nhiều rồi sau đó tự rút ra kinh nghiệm sau mỗi lần. Đến bây giờ mình có thể tự tin vào khả năng soi kính của mình, chưa vật kính nào mình mất quá 30s để lấy vi trường. Vậy làm sao để mình lấy vi trường nhanh được như vậy? Mình xin chia sẻ 9 kinh nghiệm sau:
1. Hãy vệ sinh kính tốt trước khi soi.
Bạn không thể lấy vi trường nếu kính của bạn tồi, đèn tối, vật kính mốc hay thị kính mờ… Trước khi ngồi vào kính để soi bạn hãy dành một chút thời gian để vẹ sinh kính. Bạn nên dùng một tấm gạc khô và sạch lau đầu vật kính, lau thị kính. Nếu có mốc hãy dùng xylen để lau. Kiểm tra đèn hoặc lau sạch gương (nếu bạn vẫn còn dùng kính lấy ánh sáng bằng gương, chắc giờ chẳng ai dùng loại kính này nữa đâu).
2. Chuẩn bị tiêu bản tốt.
Dù kính của bạn có tốt đến đâu thì bạn cũng không thể soi được nếu tiêu bản của bạn tồi. Với tiêu bản soi tươi có sử dụng dung dịch hãy nhớ đậy lam men lại. Với tiêu bản soi ở vật kính 100 hãy chắc chắn tiêu bản của bạn phải khô và mỏng. Hãy chú ý chọn đúng mặt với tiêu bản soi vật kính 100. Rất nhiều bạn soi nhầm mặt tiêu bản, mặt soi phải là mặt có bệnh phẩm trên đó. Nhiều khi với lam nhuộm, bạn soi vật kính 10 thấy vi trường mà quay sang 100 không thể lấy được vi trường thì khả năng lớn là bạn đã soi ngược mặt.
3. Dầu soi tốt.
Dầu soi rất quan trọng khi soi với vật kính 100. Nó làm tăng độ chiết quang cảu môi trường. Nếu không có dầu soi bạn không thể soi được. Nhưng nếu dầu soi chất lượng kém thì bạn cũng chẳng soi được hoặc cũng rất mờ. Dầu soi phải trong suốt, keo sánh và còn hạn sử dụng. Một số nơi mình thấy dùng loại dầu soi có màu vàng, loại này chất lượng rất kém dễ làm hỏng đầu vạt kính. Theo kinh nghiệm của mình nên dùng loại dầu soi của Merk. Nhưng nhớ pahir còn hạn sử dụng nhé. Khi dầu soi hết hạn sử dụng, nó rất lỏng, soi được một lát nó sẽ mờ dần thậm chí còn bong cả tiêu bản lên.
4. Ánh sáng phù hợp.
Ánh sáng là điều quan trọng nhất khi soi kính. Muốn lấy được vi trường bạn phải chọn ánh sáng phù hợp. Mỗi đầu vật kính đòi hỏi một mức độ ánh sáng khác nhau. Không phải lúc nào ánh sáng mạnh nhất cũng tốt. Trước khi soi bạn phải xác định mình sẽ soi ở vật kính bao nhiêu để lựa chọn mức độ ánh sáng cho phù hợp. Với vật kính 10x ánh sáng phải chỉnh ở mức thấp nhất bằng cách hạ tụ quang tối đa, đóng chắn sáng về mức 10x, đèn để ở mức thấp 1-2. Với vật kính 40x ánh sáng chỉnh ở mức trung bình bằng cách nâng tụ quang lên, mở chắn sáng về mức 40x, đèn để ở mức 4-5, khi lấy vi trường xong có thể tăng, giảm độ sáng đèn cho phù hợp. Với vật kính 100x ánh sáng luôn phải ở mức tối đa, nâng tụ quang tối đa, mở chắn sáng tối đa và đèn để ở mức sáng tối đa.
5. Thao tác soi với vật kính 10x
Vật kính 10x kết hợp với độ phóng đại của thị kính 10 lần bạn sẽ phóng đại được vật cần soi lên 100 lần. Vật kính này dùng để soi tươi các loại ký sinh trùng trong phân, đánh giá sơ bộ tiêu bản máu, tủy…
Cách lấy vi trường như sau:
Đặt tiêu bản lên mâm kính, xoay vè vật kính 10, điều chỉnh ánh sáng phù hợp. Mắt nhìn vào mâm kính xoay ốc đại cấp để nâng mâm kính lên tối đa. Mắt nhìn vào thị kính, từ từ dùng ốc đại cấp hạ mâm kính xuống đến khi thấy vi trường, xoay ốc vi cấp để lấy nét cho vi trường. Rât đơn giản phải không, chắc không quá 10s bạn sẽ lấy được. Một số bạn sinh viên của mình khi học về kính hiển vi các bạn ấy cũng chỉ mất 8-9s từ khi đưa tiêu bản lên đến khi lấy xong vi trường.
6. Thao tác với vật kính 40x.
Theo mình đây là vật kính khó lấy vi trường nhất. Điều quan trọng như mình đã nói là ánh sáng phải phù hợp. Có 2 cách để lấy vi trường là lấy trực tiếp bằng vật kính 40 và lấy qua vật kính 10. Theo kinh nghiệm của mình nên dùng cách số 2 là lấy qua vật kính 10x sẽ dễ hơn rất nhiều lấy trực tiếp. Cách làm như sau: Bạn lấy vi trường ở vật kính 10 như trên mình đã trình bày. Sau khi lấy được vi trường rồi bạn tăng ánh sáng lên, xoay về vật kính 40, dùng ốc vi cấp điều chỉnh cho rõ nét. Hãy nhớ nguyên tắc của các đầu vật kính trên cùng 1 kính là thấy được vi trường ở vật kính 10x thì cũng sẽ thấy luôn vi trường khi xoay sang 40x. Tuy nhiên có thể có một sự sai khác nhỏ nên sau khi xoay sang 40 bạn chỉ cần xoay nhẹ ốc vi cấp là thấy vi trường. Tuyệt đối lúc này không được dùng ốc đại cấp vì có thể làm vỡ tiêu bản nếu bạn vặn quá tay.
7. Thao tác với vật kính 100x.
Vật kính 100x thật ra cũng rất dễ soi. Có 2 cách để các bạn lấy vi trường đó là lấy gián tiếp qua vật kính 10 và lấy trực tiếp bằng vật kính 100x. Ở đây mình lại khuyến cáo các bạn nên dùng cách lấy trực tiếp vì sẽ nhanh hơn. Bạn nhỏ một giọt dầu soi lên lam kính phần cần soi, đặt tiêu bản lên mâm kính. Điều chỉnh ánh sáng về mức tối đa, xoay về vật kính 100x. Mắt nhìn vào tiêu bản, dùng ốc đại cấp nâng mâm kính lên tới khi chạm vào đầu vệ kính, nâng thêm 1 chút để đầu vật kính hơi thụt vào trong 1 chút (đừng vặn quá tay mà vỡ tiêu bản). Mắt nhìn vào thị kính, dùng ốc đại cấp hạ mâm kính xuống từ từ tới khi thấy hình ảnh vi trường. Dùng ốc vi cấp điều chỉnh rõ nét. Nếu làm tốt như vậy chắc bạn cũng không mất quá 15s.
8. Khi quan sát vi trường.
Để quan sát vi trường đánh giá tiêu bản, tùy vào loại tiêu bản mà bạn quan sát cả tiêu bản hay chỉ một phần. Nhưng nguyên tắc bạn phải di chuyển tiêu bản theo hình zíc zắc từ trái sang phải, từ trên xuống dưới cho đến khi đủ lượng vi trường cần soi.
9. Hãy soi kính bằng cả 2 mắt.
Đây là lỗi lớn nhất mà các bạn kỹ thuật viên hay mắc phải. Các bạn thường xuyên chỉ soi kính bằng 1 mắt. Rất nhiều bạn hỏi mình làm sao để soi được bằng cả 2 mắt, mà soi 2 mắt thì có lợi thế gì? Kính hiển vi thường là loại 2 mắt, người ta làm ra 2 mắt kính thì bạn phải soi bằng cả 2 mắt. Có khi nào bạn soi kính mà bị mỏi mắt chưa? Nếu có thì chắc chắn là bạn đã soi bằng 1 mắt rồi đó. Nếu bạn soi được bằng 2 mắt thì nhìn vào vi trường thấy rất thích mắt, vi trường rất rõ, soi lâu mà không mỏi mắt. Vậy làm sao để soi được bằng cả 2 mắt. Cái này cần có thời gian luyện tập cho mắt bạn điều tiết phù hợp. Đầu tiên bạn để 2 mắt kính xa nhau, sau đó từ từ đưa chính sát gần lại. Lúc đầu bạn nhìn thấy 2 vòng tròn cách xa nhau, dần dần 2 vòng tròn đè lên nhau. Đến khi bạn chỉ thấy còn 1 vòng tròn là được, nhưng chưa chắc đã được đâu, bạn hãy thử nhắm lần lượt từng mắt một lại xem còn thấy vòng tròn đó nữa không? Nếu lần lượt cả 2 mắt vẫn chỉ nhìn thấy 1 vòng tròn đó lúc đó mới được. Bạn đã bao giờ cúi xuống nhìn vào một cái giếng nước chưa? Nếu soi được bằng cả 2 mắt bạn sẽ cảm giác như đang nhìn vào 1 cái giếng đó, nó có chiều sâu, nói chung nhìn rất thích mắt. Thời gian đầu có thể bạn chưa làm được ngay, cần có thời gian để mắt bạn điều tiết được trùng khớp giữa 2 thị kính.
Trên đây là 9 kinh nghiệm khi soi kính hiển vi quang học của tuyenlab.com Hy vọng bài viết sẽ có ích với các bạn đang và sẽ làm việc với kính hiển vi.
0 nhận xét